Tranh cãi việc bảo hiểm chỉ bồi thường sửa xe sau tai nạn
Tranh cãi xảy ra sau khi chiếc xe BMW bị tai nạn dẫn đến hỏng thước lái điện. Bảo hiểm Pjico chỉ phê duyệt phương án sửa chữa với chi phí 1,5 triệu đồng trong khi xưởng dịch vụ khuyến cáo phải thay mới để bảo đảm an toàn.
Hỏng thước lái, chỉ bồi thường sửa chữa
Tối 5/4/2024, khi đang lưu thông trên đường, chiếc xe BMW 320i của anh Lê Hồng Phong (trú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bất ngờ tự va phải đống đất cát giữa đường. Trong đống đất cát có tảng đá (kích cỡ bằng chiếc mũ bảo hiểm) va vào thước lái dưới gầm xe.
Hiện trường vụ va chạm của xe BMW với đống đất cát giữa đường tối 5/4/2024.
Sau khi gọi bảo hiểm Pjico thông báo tai nạn và làm theo chỉ dẫn của tổng đài, chiếc xe được cứu hộ khỏi hiện trường, đưa về xưởng dịch vụ chính hãng của BMW tại TP.HCM. Ngày 6/4, xưởng dịch vụ BMW gửi thông báo đến Pjico việc xưởng bắt đầu thực hiện kiểm tra chiếc xe trong diện được bảo hiểm.
Theo biên bản kỹ thuật lập ngày 11/4 của xưởng dịch vụ, chiếc xe được kết luận là bị hư hỏng cụm thước lái điện, cần thực hiện phương án thay thế để đảm bảo kỹ thuật, an toàn vận hành. Chi phí là 80 triệu đồng, theo báo giá của xưởng dịch vụ chính hãng BMW.
Ngày 23/4, Pjico gửi đến anh Lê Hồng Phong và xưởng dịch vụ BMW văn bản thông báo phía bảo hiểm chỉ phê duyệt phương án bồi thường sửa chữa thước lái, giá trị phê duyệt là 1,5 triệu đồng, không đồng ý với phương án thay mới.
Ngày 25/4, trong cuộc làm việc với anh Phong, phía xưởng dịch vụ BMW một lần nữa nêu ý kiến cần phải thay thế phần thước lái hư hỏng mà không thể sửa chữa.
Theo văn bản của BMW, BMW không thể khắc phục sửa chữa lại theo phương án mà Pjico yêu cầu. BMW chỉ đảm bảo tính kỹ thuật và chế độ bảo hành chính hãng khi thực hiện thay thế cụm thước lái (phụ tùng chính hãng), căn cứ vào cẩm nang hướng dẫn sửa chữa của BMW ASIA (BMW châu Á).
Ngày 8/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, giám định viên của Pjico phụ trách hồ sơ bồi thường xác nhận, phía bảo hiểm không chấp thuận phương án thay mới, chỉ đồng ý chi trả bồi thường khoản tiền sửa chữa: "Bộ phận thước lái đó không cần thay mới, chỉ cần thay thế chi tiết giắc cắm có vết nứt. Nhưng phía khách hàng không chấp thuận nên chúng tôi đành chịu".
Đề nghị thay mới để bảo đảm an toàn
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, từng làm việc gần 30 năm cho Volkswagen và BMW tại Đức cho rằng, việc khắc phục khiếm khuyết của các bộ phận trên xe Đức nói chung luôn phải tuân theo cẩm nang kỹ thuật của nhà sản xuất, là bộ cẩm nang có tính toàn cầu.
Sau tai nạn, xe BMW bị hư hại thước lái, khóa cứng vô-lăng và được cứu hộ đưa về xưởng BMW tại TP.HCM.
"Do đó các kỹ thuật viên trong xưởng chính hãng dù tài giỏi đến đâu cũng không dám tự sửa chữa, nếu cẩm nang viết rằng bộ phận đó cần thay thế", ông Đồng lý giải.
Liên quan đến vụ việc, một chuyên gia bảo hiểm cho rằng, cần xem xét hợp đồng bảo hiểm của Pjico và anh Phong có điều khoản "chọn nơi sửa chữa chính hãng" hay không. Nếu có, phải theo hợp đồng để thực hiện.
Về mặt kỹ thuật, một số loại xe nếu sửa chữa bên ngoài (không chính hãng), chủ xe sẽ bị mất quyền lợi bảo hành, bảo dưỡng. Giá trị sửa chữa chính hãng cũng phản ánh ở mức phí bảo hiểm hàng năm, thường cao hơn sửa chữa không chính hãng.
Còn theo chủ nhân chiếc xe bị tai nạn, việc xe nằm xưởng hơn 1 tháng qua gây cho anh nhiều thiệt hại trong đi lại phục vụ công việc và cuộc sống. Nhưng anh bức xúc hơn khi phía bảo hiểm thúc giục anh mang xe ra garage ngoài để sửa.
"Việc tự sửa bộ phận đó có thể gây rủi ro kỹ thuật, tiềm tàng nguy cơ mất trợ lực đột ngột dẫn đến không điều khiển được xe, nguy hiểm tính mạng của tôi và những người xung quanh. Tôi dứt khoát không chấp nhận phương án bồi thường mà Pjico đề nghị", anh Phong nói.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Văn phòng luật Tinh Hoa Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội), pháp luật dân sự và luật kinh doanh bảo hiểm không quy định cụ thể trường hợp nào phải thay mới, trường hợp nào chỉ cần sửa chữa bộ phận ô tô. Trong những vụ việc kiểu này, tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất là căn cứ quan trọng nhất cần tuân theo.
"Thông thường, các bộ phận có thể sửa như ghế ngồi, móp thân vỏ, cản va... sẽ được đề xuất sửa chữa khắc phục. Tuy nhiên, các bộ phận có tính chất nhạy cảm, liên quan mật thiết đến an toàn vận hành như thước lái, má phanh, đĩa phanh... phải tuân theo khuyến cáo của hãng. Mặt khác, nếu xưởng chính hãng chấp nhận sửa chữa những bộ phận nhạy cảm như thước lái, sẽ tạo tiền lệ xấu và làm hỏng quy trình dịch vụ của những thương hiệu lớn toàn cầu", luật sư phân tích thêm.
Nguồn: Báo giao thông
Link bài viết: https://xe.baogiaothong.vn/tranh-cai-viec-bao-hiem-chi-boi-thuong-sua-xe-sau-tai-nan-192240509222454617.htm?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR0okY3UW1W9mD_0D3ZtJSnBdmPOSWK0PkZFAL-rQrbgxrCGXu9TF9oGHGE_aem_AW34rP7VcpxI6D5uZbHkj-KyUQ7XzqGXj3ay_PBHe3cfonlbclYYVcOusAuYMIZptFoT-ma23GdYONtwPM1iXVWO