Theo tổng hợp của phóng viên dựa trên Quy tắc bảo hiểm, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều đang áp dụng việc giảm trừ tiền bảo hiểm đối với chủ xe chạy quá tốc độ, mỗi công ty áp dụng cách thức và mức giảm trừ khác nhau.
Đơn cử, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) giảm trừ 10% số tiền bồi thường nếu xe cơ giới vượt quá tốc độ cho phép theo quy định của pháp luật (có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Điều này được hiểu là cứ vượt quá tốc độ cho phép là bị giảm trừ, mà không cần xác định tỷ lệ vượt quá là bao nhiêu).
Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Bảo Việt giảm trừ 25% số tiền bồi thường đối với xe vượt quá tốc độ cho phép từ 20% trở lên (cần xác định được tỷ lệ vượt quá là từ 20% trở lên mới có thể áp dụng điểm giảm trừ này, nếu dưới 20% thì không được áp dụng).
Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) giảm trừ 30% số tiền bồi thường khi vượt quá tốc độ cho phép từ 20% trở lên. Bảo hiểm Bảo Minh giảm trừ 30% số tiền bồi thường khi vượt quá tốc độ cho phép từ 50% trở lên.
Cá biệt, Bảo hiểm PVI còn loại trừ bảo hiểm đối với xe chạy vượt quá 50% tốc độ cho phép. Khi chạy vượt tốc độ dưới 50%, mức giảm trừ cũng cao hơn hầu hết các nhà bảo hiểm khác, dao động từ 50-100%.
Theo các công ty bảo hiểm, ngay từ khi ban hành bộ quy tắc bảo hiểm vật chất xe thì đã áp dụng việc loại trừ bảo hiểm (không bảo hiểm) đối với những hành vi vi phạm quy định của luật giao thông gây nguy hiểm và giảm trừ bảo hiểm đối với những hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức gây nguy hiểm. Ngoài ra, việc áp dụng còn phụ thuộc vào các quy định hiện hành có liên quan, trong đó có quy định về xử phạt đối với các chủ xe tham gia giao thông của cơ quan công an (căn cứ vào nghị định xử phạt hành chính đối với người tham gia giao thông) để phù hợp với thực tế.
Dù các quy định về điều khoản loại trừ, giảm trừ bồi thường đều nằm trong Bộ quy tắc bảo hiểm vật chất xe, nhưng có một thực tế là hầu hết quy tắc lại không được giải thích, tư vấn kỹ ngay từ đầu và cách áp dụng tại mỗi công ty bảo hiểm cũng khác nhau dẫn đến tranh cãi, khiếu nại giữa chủ xe và nhà bảo hiểm khi xảy ra sự cố bồi thường.
Đơn cử, vụ việc tranh cãi mới đây giữa chủ xe ô tô và PTI xuất phát từ việc bộ quy tắc bảo hiểm chỉ ghi chung chung, mà không nêu rõ căn cứ kết luận vượt quá tốc độ (theo hồ sơ công an hay tài liệu, công cụ nào). Đến khi xảy ra tai nạn, PTI lấy căn cứ theo thiết bị giám sát hành trình khiến chủ xe không phục vì cho rằng, các công ty bảo hiểm đều dựa trên máy bắn tốc độ của cơ quan công an, nhưng trong trường hợp này, kết luận của cơ quan có thẩm quyền không hề đề cập đến nội dung vượt quá tốc độ nên không thể giảm trừ bảo hiểm.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội, đối với việc giảm trừ số tiền bồi thường tương ứng với tỷ lệ phần trăm trong các trường hợp như xe vượt quá tốc độ cho phép (từ 20-50%) tại đoạn đường xảy ra tai nạn thì cần phải xác định chính xác tốc độ tại thời điểm vượt quá để xác định tỷ lệ giảm trừ.
Tuy nhiên, do không quy định rõ dựa trên căn cứ nào để ra kết luận dẫn đến tranh chấp trong trường hợp xác định tốc độ dựa trên thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe (theo quy chuẩn Việt Nam thì được +/-5 km/h) và thiết bị bắn tốc độ của cảnh sát giao thông (theo quy chuẩn Việt Nam thì được +/-2 km/h).
“Nếu tốc độ vi phạm vượt quá nhiều so với mức cho phép, chẳng hạn 80/50 km/h thì chắc chắn sẽ bị giảm trừ, còn nếu vi phạm ở mức 61-62/50 km/h thì chủ xe cần lưu ý tới sai số đối với các thiết bị đo là 20% hay 50%, hoặc cần sự tư vấn kỹ hơn từ người có chuyên môn để được đảm bảo quyền lợi”, ông Sơn nói.
Nguồn: Báo đầu tư chứng khoán
Link bài viết: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tranh-cai-bao-hiem-siet-vi-pham-toc-do-post295506.html