Cụ thể, trong văn bản số 61/HHBH/2021 ngày 29/4/2021, IAV với vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên đã tố giác khách hàng tên Nguyễn Văn Khánh (Hải Phòng) lên Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an.
Tại công văn này, IAV cho biết, có những bằng chứng cho thấy ông Khánh đã biết trước mình bị ung thư tuyến giáp (vì trước đó khách hàng này lấy tên là Khanh đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhận được kết quả chuẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp).
Sau đó, từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, ông Khánh mua 19 hợp đồng bảo hiểm sức khỏe mức cao nhất (mỗi năm đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm) tại 13 công ty bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ (trong đó có Bảo hiểm Bảo Việt, Liberty, VBI, Prudential, Dai-ichi, Aviva, FWD, MB Ageas, Cathay, Generali) mà không khai báo việc mình đã có bệnh nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội.
Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, ông Khánh đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả tiền bảo hiểm số tiền gần 4 tỷ đồng. Theo IAV, nếu không kịp thời điều tra làm rõ hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm của khách hàng này để ngăn chặn thì tới đây, các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước có thể lên tới 20 tỷ đồng và điều này gây thiệt hại lớn cho các công ty bảo hiểm.
Đại diện ủy quyền của khách hàng - ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Văn phòng luật sư Tila và Cộng sự cho biết, khi đi kiểm tra sức khỏe nhanh, khách hàng được các bác sỹ thông báo “nghi ngờ bị ung thư tuyến giáp, yêu cầu kiểm tra tầm soát ung thư”, chứ chưa khẳng định là “bị ung thư”. Thực tế, khi được chuẩn đoán có khả năng bị ung thư, tâm lý thông thường là tuyệt vọng và chỉ có 2 cách giải quyết: Hoặc phải điều trị, hoặc chấp nhận chết, mà điều trị thì chi phí lớn, nên việc mua bảo hiểm là một giải pháp. Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm là một dạng tài sản hình thành trong tương lai và pháp luật không cấm khách hàng mua nhiều hợp đồng bảo hiểm.
“Theo Quyết định số 3879/QĐ-BYT ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, để xác định một bệnh nhân chắc chắn bị ung thư thì phải căn cứ vào ‘xét nghiệm giải phẫu bệnh’, phải được một hội đồng chẩn đoán bệnh của bệnh viện kết luận, chứ không chỉ đơn thuần là kết luận của một vài bác sỹ hay các chỉ số xét nghiệm đặc thù, kể cả làm thủ thuật xét nghiệm tế bào. Bản thân khách hàng chưa từng làm ‘giải phẫu bệnh’ cho đến cuối tháng 3/2020, nên dù có đi khám trước đó thì cũng chỉ là người ‘có nghi vấn bệnh ung thư’. Các thông tin mà khách hàng nhận từ bác sỹ hay bệnh viện cũng chỉ là dạng thông tin nghi vấn, không thể là thông tin ‘chắc chắn đã biết bệnh ung thư’ như cáo buộc của IAV”, ông Nguyên lập luận.
Trao đổi về trường hợp này, luật sư Lưu Vũ Anh, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt cho rằng, người đã tham gia bảo hiểm trước khi làm sinh thiết để xác định chính xác có bị ung thư hay không chưa được coi là đã mắc bệnh ung thư tại thời điểm tham gia bảo hiểm, nhưng vẫn cố ý tham gia bảo hiểm. Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015, khách hàng không thể tự làm mình bị bệnh “ung thư” nên không có dấu hiệu của việc phạm tội hình sự. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh hợp đồng bảo hiểm thì khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Điểm c, Khoản 2, Điều 18: Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm “Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”.
Trong khi đó, công văn 61 dẫn chiếu quy định tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 4, Điều 174 về Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản - Bộ luật Hình sự năm 2015 rằng, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12-20 năm.
Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Nguồn: Báo đầu tư chứng khoán
Link bài viết: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-bao-hiem-nong-voi-vu-mua-19-hop-dong-post274662.html