Hòa giải - Phương án tối ưu trong giải quyết tranh chấp về bảo hiểm
Hòa giải tại Tòa án nhìn từ vụ tranh chấp bảo hiểm giữa Công ty Bảo hiểm PJICO Bến Thành và Công ty T về yêu cầu bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm tàu thuỷ nội địa.
Ngày 18/11/2017, Công ty T ký Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số P-17/BTA... với Công ty Bảo hiểm PJICO Bến Thành (PJICO Bến Thành). Theo đó, đối tượng bảo hiểm là ca nô du lịch của Công ty T đối với những thiệt hại bất ngờ về vật chất và trách nhiệm dân sự gây ra cho bên thứ ba phát sinh từ việc sử dụng, hoạt động của ca nô trong thời hạn bảo hiểm và phạm vi lãnh hải Việt Nam.
Ngày 11/06/2018, Công ty Cổ phần Giám định Đông Dương đã ban hành chứng thư giám định số InS/TUS/18063 ghi nhận nguyên nhân của tổn thất như sau:
“Trong lúc ca nô SG neo đậu vào tối ngày 01/04/2018, khi nước thủy triều cạn đã làm cho ca nô bị nghiêng trái (trong tình trạng ca nô bị buộc dây căng ở phía mũi và sau lái bên mạn phải). Sau đó, thủy triều lên kết hợp với phương tiện qua lại trên sông tạo sóng đánh vào ca nô dẫn đến nước sông tràn vào khoang sau lái của ca nô (chỉ còn một phần mạn phải được cột căng dây là nằm trên mặt nước). Thời điểm đó, chủ phương tiện cũng không phát hiện kịp thời sự cố nên đã không ứng cứu kịp thời để xử lý nên nước sông đã tràn vào ca nô làm cho ca nô bị chìm và gây ra tổn thất trên.”
Do đó, ngày 05/06/2018, Công ty T đã phát hành công văn số 0506/2018/TT-PJICOBT đề nghị PJICO Bến Thành làm rõ nội dung văn bản từ chối giải quyết bồi thường bảo hiểm và nêu rõ căn cứ từ chối bảo hiểm của PJICO Bến Thành vì căn cứ theo Luật kinh doanh bảo hiểm thì: (i) Điều khoản loại trừ phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm và (ii) Phải thông báo lý do từ chối bằng văn bản. Trong văn bản này ghi rõ vụ việc không thuộc phạm vi bảo hiểm hay thuộc điểm loại trừ bảo hiểm.
Ngày 21/06/2018, PJICO Bến Thành ban hành văn bản số 0525/2018/HHA/BTA thông báo từ chối bồi thường lần 2 với lý do “Căn cứ vào tình hình tổn thất thực tế và báo cáo giám định nguyên nhân tổn thất nằm vào điểm loại trừ “Tàu bị mắc cạn bởi ảnh hưởng của thủy triều hoặc con nước lên xuống” (dựa trên Điều 6 Chương 3 Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa).
Phía công ty T không đồng ý với căn cứ từ chối bồi thường trên của PJICO Bến Thành bởi ca nô không hề trong tình trạng bị mắc cạn, công tác cứu hộ là công tác trục vớt ca nô chứ không phải công tác đưa ca nô ra khỏi bãi cạn. Bên cạnh đó, Báo cáo giám định ghi nhận: “Khi nước thủy triều cạn đã làm cho ca nô bị nghiêng trái”, nghĩa là khi thủy triều rút, do ca nô bị buộc dây căng ở phía mũi và sau lái bên mạn phải làm cho ca nô bị nghiêng trái. Điều này không có nghĩa là ca nô bị mắc cạn bởi mắc cạn là hiện tượng đáy tàu sát liền với đáy biển, đáy sông hoặc nằm trên một chướng ngại vật khác làm cho tàu không chạy được và thường phải nhờ đến ngoại lực tàu mới nổi lên hoặc thoát khỏi mắc cạn được. Trong nhiều năm qua, bến tàu đỗ ca nô này không có hiện tượng nước rút trơ đáy nên không thể khiến cho ca nô nằm trên bãi cạn. Hơn nữa, tàu thuyền mắc
cạn không thể khiến nước tràn vào khoang, máy móc, các thiết bị điện tử… gây tổn thất do mực nước quá thấp.
Báo cáo giám định kết luận rằng: “Thời điểm đó, chủ phương tiện cũng không phát hiện kịp thời sự cố nên đã không ứng cứu kịp thời để xử lý nên nước sông đã tràn vào ca nô làm cho ca nô bị chìm và gây ra tổn thất”. Như vậy, sự kiện bảo hiểm xảy ra là hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, không thuộc điều kiện loại trừ bảo hiểm, người mua bảo hiểm đã thanh toán đủ phí và thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm vì vậy Công ty Bảo hiểm PJICO Bến Thành phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường tổn thất của ca nô cho Công ty T theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, PJICO Bến Thành vẫn giữ nguyên quyết định từ chối bồi thường bảo hiểm đối với tổn thất của ca nô nên Công ty T đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Người đại diện của Công ty T yêu cầu PJICO Bến Thành bồi thường 2 hạng mục bao gồm:
✔ 512 triệu đồng căn cứ theo báo giá sửa chữa ca nô
✔ 100 triệu đồng tiền lãi suất trả chậm kể từ ngày nhận được công văn từ chối bồi thường lần 1 của PJICO Bến Thành.
Phía PJICO Bến Thành không đồng ý với yêu cầu trên mà chỉ đồng ý chi trả 50% của số tiền 282 triệu đồng theo báo cáo giám định (= 140 triệu đồng) vì PJICO Bến Thành cho rằng tổn thất xảy ra có một phần lỗi của chủ tàu do buộc dây quá căng làm tàu bị nghiêng trái khi thủy triều rút và dẫn đến những tổn thất sau đó.
Sau nhiều lần trao đổi và làm việc tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa, hai bên trong vụ việc đã đi đến quyết định tiến hành hòa giải tại Tòa án và thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án. Theo đại diện của Công ty T có mặt tại phiên hòa giải, hai bên đã thỏa thuận và thống nhất rằng số tiền 282 triệu đồng là số tiền sửa chữa hợp lý do căn cứ vào báo cáo giám định. Kết quả của buổi hòa giải đã được Tòa án ghi nhận và lập Biên bản hòa giải thành cùng với ban hành Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Hai bên có nghĩa vụ thi hành Quyết định trên bao gồm việc PJICO Bến Thành phải thanh toán cho Công ty T chi phí sửa chữa ca nô là 282 triệu đồng và mỗi bên tự nguyện chịu một nửa tiền án phí.
Từ thực tiễn vụ tranh chấp, có thể thấy, hòa giải là phương án tối ưu trong giải quyết tranh chấp bảo hiểm nói riêng và tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung. Nó vừa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ tranh chấp, vừa tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và giữ cho mối quan hệ hòa hảo giữa đôi bên. Bài viết này để cảm ơn Công ty Bảo hiểm PJICO Bến Thành cùng Luật sư của hai bên đã có thể giải quyết vụ việc bằng phương thức hòa giải một cách êm đẹp, xây dựng văn hóa giải quyết các tranh chấp bảo hiểm bằng hòa giải tại Việt Nam.