Bảo hiểm "Container định hạn tổn thất toàn bộ - TLO" chỉ bồi thường khi container bị tổn thất "toàn bộ"???
Bảo hiểm "Container định hạn tổn thất toàn bộ" (Total Loss Only - TLO) của các DNBH có phạm vi bảo hiểm quy định như sau:
“Bảo hiểm này bảo hiểm những rủi ro về tổn thất toàn bộ (thực tế hay ước tính) của đối tượng được bảo hiểm”.
Vậy phạm vi bảo hiểm này được hiểu như thế nào? Thế nào là “Tổn thất toàn bộ”?
Tổn thất toàn bộ là một khái niệm quan trọng trong ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm hàng hải, vận tải, tài sản kỹ thuật,… Về tổn thất toàn bộ, ta đang ám chỉ việc tài sản được bảo hiểm bị thiệt hại hoặc mất mát đến mức không thể phục hồi được, hoặc chi phí phục hồi vượt quá giá trị của tài sản đó. Có 2 loại tổn thất toàn bộ là: Tổn thất toàn bộ thực tế và Tổn thất toàn bộ ước tính.
1. Tổn thất toàn bộ thực tế (Actual Total Loss – ATL)
Đây là khi tài sản bị mất hoàn toàn hoặc bị hư hỏng đến mức không thể khôi phục lại. Một số tình huống điển hình của tổn thất toàn bộ thực tế gồm:
- Container hoặc tài sản bị mất hẳn: Ví dụ container bị rơi xuống biển và không thể thu hồi lại được.
- Tài sản bị phá hủy hoàn toàn: Container bị cháy rụi, bị nghiền nát hoặc hư hỏng hoàn toàn do tai nạn, không thể sửa chữa hoặc khôi phục về trạng thái ban đầu.
=> Các tình huống bồi thường:
- Khi container hoặc hàng hóa trong container bị mất do cướp biển, thiên tai hoặc sự cố nghiêm trọng và không còn hy vọng thu hồi.
- Container hoặc hàng hóa bị phá hủy hoàn toàn trong một vụ va chạm, hỏa hoạn hoặc tai nạn lớn.
2. Tổn thất toàn bộ ước tính (Constructive Total Loss – CTL)
Đây là tính huống khi tài sản không bị mất hoàn toàn, nhưng chi phí để sửa chữa hoặc khôi phục tài sản vượt quá giá trị của nó. Nói cách khác, chi phí phục hồi tài sản quá cao và không đảm bảo tính “kinh tế” để thực hiện.
Ví dụ về CTL:
- Container bị hư hỏng nặng do một vụ tai nạn và chi phí sửa chữa vượt quá giá trị thực tế của container;
- Chi phí để thu hồi container từ một vùng biển xa xôi cao hơn giá trị của container và hàng hóa bên trong.
=> Điều kiện áp dụng CTL: Chủ sở hữu tài sản có thể yêu cầu bồi thường tổn thất toàn bộ nếu chi phí sửa chữa hoặc thu hồi tài sản vượt quá một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị (thường từ 75% đến 80% giá trị của tài sản, tùy vào quy định của HĐBH).
3. Vậy trong trường hợp chi phí sửa chữa của bằng 98% giá trị của container thì có được DNBH bồi thường theo bảo hiểm “Container định hạn tổn thất toàn bộ” không?
Nếu chi phí sửa chữa bằng 98% giá trị container, theo quy tắc bảo hiểm TLO sẽ rơi vào “Tổn thất toàn bộ ước tính – CTL”. Trong trường hợp này, tuy container không bị mất hoàn toàn nhưng chi phí sửa chữa hoặc khôi phục vượt quá một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị tài sản (thường là 75-80%) khiến việc sửa chữa không còn hợp lý về mặt kinh tế.
Mặc dù quy tắc bảo hiểm không quy định cụ thể về ngưỡng tỷ lệ được coi là tổn thất toàn bộ nhưng ta hiểu đây là trường hợp tổn thất toàn bộ ước tính. Và DNBH phải có trách nhiệm bồi thường theo giá trị toàn bộ của container đã thỏa thuận tại HĐBH.