Tàu Morning Vinafaco đã được bắt vào khoảng 5 giờ chiều 28/6 trong khi đang chở đầy hàng
Thành phần tham gia có các nhà vận chuyển, các nhà giám định độc lập, các văn phòng luật sư… Phía các doanh nghiệp thiệt hại có Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh (Công ty Phương Anh), Công ty TNHH Tín Nghĩa, Công ty cổ phần TM&DV Vận tải Trường Nam…
Theo thông tin, các bên đã yêu cầu Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Vinafco Ship) - công ty con của CTCP Vinafco (mã VFC- UpCOM) bồi thường tổn thất, trong trường hợp không được, sẽ tính tới phương án phối hợp bắt tiếp 1 - 2 tàu còn lại của Vinafco Ship; nghiên cứu tiếp quản Vinafco Ship theo hướng mua cổ phần, mua lại doanh nghiệp, áp dụng phương án phục hồi Vinafco Ship theo Luật Phá sản khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, cũng có đề xuất nghiên cứu cả phương án phong tỏa tất cả tài khoản ngân hàng của Vinafco Ship, khoảng gần 300 tỷ đồng tiền mặt và cấm giao dịch tài sản theo quyết định mới của Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì (Hà Nội) hoặc Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng. Đồng thời, nghiên cứu mở thủ tục phá sản Vinafco Ship (yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản ngăn chặn tất cả các giao dịch của Vinafco Ship trước ngày thụ lý 3 tháng để thu hồi nợ). Tuy nhiên, 2 phương án phong tỏa tài khoản và mở thủ tục tục phá sản Vinafco Ship được cho là không khả thi.
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Công ty Phương Anh, còn có 15 doanh nghiệp khác bị thiệt hại trong vụ tổn thất 37 container bị rơi xuống biển, dẫn đến bị mất tích hoặc hư hỏng khi vận chuyển trên tàu MORNING VINAFCO ngày 22/12/2023.
Đó là: Honda Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Pantos Việt Nam, Vận tải Trường Nam, Việt Phong, Tín Nghĩa, Diana Unicharm, Baosteel Việt nam, Vận Tải Hải An, Tân Đạt, Giấy An Hòa, Tiếp vận Thăng Long, Vinapaper, Cát Tường và Đạt Linh Hương.
Trước đó, ngày 28/6/2024, TAND TP. Hải Phòng đã có Quyết định số 01/2024/QĐ-BGTB bắt giữ một tàu biển Morning của Vinafco Ship để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh. Kết quả là tàu MORNING VINAFCO kể trên đã được bắt vào khoảng 5 giờ chiều 28/6 trong khi đang chở đầy hàng.
Trước áp lực của doanh nghiệp bị thiệt hại cũng như của dư luận, ngày 1/7, đại diện Vinafco Ship đã gửi Công ty Phương Anh và luật sư được sự ủy quyền của Công ty Phương Anh thư cam kết (bản dự thảo) của Công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam, để Công ty Phương Anh xem xét và chấp thuận như là biện pháp bảo đảm thay thế để giải phóng tàu (bắt tàu). Theo đó, Công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam cam kết tổng mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm tối đa là 36.760.240.000 đồng, bao gồm mọi chi phí và khoản tiền lãi liên quan, trong vòng 30 ngày làm việc sau khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ hàng và bản sao biên bản hòa giải hoặc quyết định tòa án. Đổi lại, Tòa án sẽ thả, giải phóng tàu “MORNING VINAFCO”.
Được biết, Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Vinafco (mã VFC- UpCOM) thông qua kế hoạch năm 2024 với doanh thu hơn 1.233 tỷ đồng; lãi sau thuế 25,5 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, ngoài việc cải thiện chất lượng để giữ chân khách hàng hiện hữu, Công ty sẽ đẩy mạnh khách hàng mới và thị trường mới để duy trì thị phần và đà tăng trưởng; chuẩn bị sẵn sàng phương án đầu tư tàu biển, trung tâm logictics để triển khai đầu tư khi thuận lợi.
Nguồn: Báo đầu tư chứng khoán