Từ trường hợp PTI
Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh từ hàng trăm khách hàng của Bảo hiểm Bưu điện - PTI (thông qua đại diện được ủy quyền là Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, VICS-CORP) cũng như khách hàng từ các hội nhóm được tập hợp lại. Nhóm khách hàng này cho biết, đã mua bảo hiểm của PTI có quyền lợi bảo hiểm Covid, nhưng không được chi trả theo cam kết ban đầu.
Theo đơn phản ánh, nhóm khách hàng này mua gói bảo hiểm PTI - Vững tâm an với quyền lợi được trợ cấp nằm viện điều trị dịch bệnh tại cơ sở y tế khi người được bảo hiểm nhập viện sau 3 ngày kể từ ngày bắt đầu bảo hiểm, nhưng khi được chẩn đoán bị nhiễm Covid-19 và phải điều trị nội trú tại một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Phương Đông và đã gửi đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường, có trường hợp đến nay vẫn chưa được chi trả, có trường hợp bị từ chối bồi thường bảo hiểm. Mức chi trả cao nhất là 12 triệu đồng/ca nhiễm. Trường hợp người được bảo hiểm đã tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh thì được hưởng gấp đôi là 24 triệu đồng/ca nhiễm.
Lý do chậm chi trả được phía PTI giải thích với khách hàng là do tỷ lệ người mắc Covid-19 quá đông nên quá tải. Hiện tại, PTI đang giải quyết các thủ tục cho khách hàng. Còn lý do từ chối được PTI đưa ra tại các văn bản gửi khách hàng là do một số bệnh viện điều trị như Bệnh viện Đa khoa Phương Đông chưa được Sở Y tế cho phép chấp nhận chuyển đổi công năng và tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân Covid. Trong khi đó, các khách hàng cho biết, khi mua sản phẩm này, họ được tư vấn rằng, điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế đáp ứng quy định trong quy tắc bảo hiểm là được chi trả bồi thường, mà không được biết Bệnh viện Đa khoa Phương Đông không nằm trong diện này.
Phóng viên đã liên lạc với PTI để tìm hiểu sự việc, nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời chính thức. Được biết, theo thông báo trên website PTI hồi đầu tháng 4/2022, nhà bảo hiểm này đã chi hỗ trợ cho gần 8.000 khách hàng với số tiền từ quỹ dự phòng nghiệp vụ vượt quá 24 tỷ đồng. Do đó, PTI quyết định bổ sung quỹ đến hết ngày 30/4/2022 hoặc khi tổng số tiền quỹ hỗ trợ đạt 150 tỷ đồng. Như vậy, có thể hiểu số tiền chi trả cho khách hàng từ chương trình này cao nhất là 150 tỷ đồng!
“Chuyện chung” của thị trường?
Mới đây, một số khách hàng tham gia bảo hiểm của một ông lớn bảo hiểm đứng trong tốp đầu về bảo hiểm sức khỏe con người (Bảo hiểm Bảo Việt) cũng phản ánh bị từ chối bồi thường bảo hiểm Covid với cùng lý do trùng hợp là điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông, bệnh viện không có chức năng điều trị Covid.
Tương tự với trường hợp mua bảo hiểm tại PTI, khách hàng cho biết, khi mua sản phẩm của nhà bảo hiểm này, họ được tư vấn chỉ cần điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế đáp ứng quy định trong quy tắc bảo hiểm sẽ được chi trả bồi thường, mà không được biết Bệnh viện đa khoa Phương Đông có chức năng chữa bệnh Covid hay không.
Liên lạc để tìm hiểu thì đại diện công ty bảo hiểm trên cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết và từ chối tiết lộ thêm thông tin.
Trước đó, vào năm 2021, tại khối nhân thọ, một loạt công ty bảo hiểm như Dai-ichi Life, Prudential, Manulife, Generali, AIA, Sunlife, BIDV Metlife, Cathay… cũng tung ra các chương trình hỗ trợ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Các công ty này cho biết, đã chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho các khách hàng và đại lý không may bị nhiễm Covid-19, nhưng trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng nhận được hỗ trợ.
Đơn cử, trong năm 2021, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ảnh của một số khách hàng mua bảo hiểm có quyền lợi bảo hiểm Covid tại Dai-ichi Life Việt Nam mà không được thông báo chi tiết về chương trình này, nên sau đó dù nhiễm bệnh nhưng không được hỗ trợ (vì đã hết thời hạn hỗ trợ).
Thời điểm đó, Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, lý do từ chối chi trả bảo hiểm là bởi trong hồ sơ yêu cầu hỗ trợ của khách hàng chỉ có giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú do trạm y tế phường cấp, không phải giấy ra viện do bệnh viện cấp, hoặc kết quả test PCR và không có mã số bệnh nhân, nên không đáp ứng các tiêu chí để nhận hỗ trợ. Còn khách hàng lập luận, do bị cách ly tại nhà nên không thể có mã số bệnh nhân, cũng không được di chuyển ra bệnh viện/trạm y tế để test PCR.
Theo ông Lương Văn Ban, đại diện VICS-CORP, trong mùa dịch, bất kỳ sản phẩm bảo hiểm nào có quyền lợi điều trị tại bệnh viện cao đều có thể tác động lên tỷ lệ bồi thường khi số ca nhiễm bệnh tăng cao.
Ông Ban nêu ví dụ, nếu nhà bảo hiểm bán được 1 hợp đồng thu về 100 đồng tiền phí đóng bảo hiểm thì phải trả 30 đồng tiền chi hoa hồng, còn lại 70 đồng, sau khi trừ các loại chi phí (bao gồm cả chi phí quản lý) khoảng 15 đồng thì còn lại 55 đồng để chi bồi thường. Trong khi đó, phải bán được 30 hợp đồng thì mới đủ chi trả bồi thường cho 1 người bị nhiễm Covid, trường hợp đã tiêm vắc-xin Covid thì con số này sẽ tăng gấp đôi lên 60 hợp đồng.
“Nếu vì cạnh tranh mà nhà bảo hiểm đưa ra tỷ lệ bồi thường quá cao thì thu khó có thể bù chi”, ông Ban nhấn mạnh.
Nguồn: Báo đầu tư chứng khoán
Link bài viết: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-lien-quan-toi-covid-van-nong-post299101.html