Một biên bản giám định y khoa có được sử dụng để nộp cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm được không?
Thông tư 01/2023/TT-BYT quy định chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng giám định y khoa các cấp:
“Điều 4. Thẩm quyền của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh
1. Giám định y khoa lần đầu, giám định y khoa lại đối với các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống tại tỉnh, thành phố trên địa bàn.”
Căn cứ Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về trường hợp cần phải giám định lại như sau: “Điều 6. Hồ sơ khám giám định lại do tái phát
1. Hồ sơ khám giám định lại đối với trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động;
2. Hồ sơ khám giám định lại bệnh nghề nghiệp tái phát”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giám định y khoa lần đầu cho một đối tượng. Trong trường hợp có tái phát tổn thương do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tái phát thì mới được yêu cầu Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh giám định lại. Nếu không đồng ý kết quả giám định y khoa cấp tỉnh, người bệnh có thể làm khiếu nại lên hội đồng giám định y khoa cấp trung ương để làm giám định phúc quyết.
Bản chất việc yêu cầu giám định y khoa để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể và làm căn cứ chứng minh sự kiện bảo hiểm có xảy ra, trong trường hợp có giám định nhiều lần khác đi nữa thì kết quả vẫn không thay đổi.
Trên thực tế đã có trường hợp khách hàng tham gia nhiều DNBH, đã đi giám định y khoa theo Giấy giới thiệu của DNBH A. Tuy nhiên, DNBH B lại yêu cầu khách hàng đi giám định lại theo Giấy giới thiệu của DNBH B. Hội đồng giám định y khoa không đồng ý làm giám định lại và giải thích rằng giám định lần đầu chỉ thực hiện một lần duy nhất.
Trong trường hợp này, khách hàng có thể liên hệ với hội đồng giám định y khoa để xin xác nhận không thể thực hiện giám định lại, làm bằng chứng để cung cấp cho DNBH. Đồng thời, khách hàng đề nghị DNBH đó sử dụng kết quả giám định y khoa đã có để giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm.