[Kỳ 3- Kỳ cuối] Trình tự, thủ tục nhắm tiến hành thành lập hội vệ phụ trợ bảo hiểm
1.Trình tự, thủ tục tiến hành thành lập Hội theo pháp luật Việt Nam
Điều kiện thành lập Hội
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động và quản lý Hội có đưa ra những điều kiện để thành lập Hội như sau:
- Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.
- Có điều lệ.
- Có trụ sở.
- Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:
“...Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;
Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội…”
Đối với Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.
Đối với hội nghề nghiệp có tính đặc thù chuyên môn, số lượng công dân và tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định :
“...1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh…”
Trình tự thủ tục thành lập Hội
Trình tự, thủ tục thành lập Hội được quy định từ điều 5 đến điều 12 Nghị định 45/2010/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Theo đó để thành lập Hội cần có người sáng lập đại diện, thực hiện những bước đầu tiên trong quá trình gây dựng. Việc lựa chọn ra người sáng lập vốn không được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thành lập Hội. Việc bầu ra một người có uy tín để đứng ra thành lập, dẫn dắt có thể thực hiện qua việc lựa chọn những đại diện có chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động trong một số lĩnh vực nghề nghiệp về phụ trợ Bảo hiểm.
Trên thực tế có một số cách mà các Hội nhóm thực hiện khi kêu gọi thành viên như:
- Tập hợp các thành viên đại diện tại địa phương, khu vực mà mình hoạt động, sau đó tập hợp nhóm người này lại và tiến hành thảo luận cử người đứng đầu, đưa ra phương hướng hoạt động,. Cách thức này mang tính bao quát và có lợi khi tập hợp được thành viên tại các vùng miền trên cả nước, hướng tới Hội mang tính chất toàn quốc trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc xa cách về mặt địa lý cũng như khả năng tìm kiếm tại mỗi khu vực khác nhau là vô cùng khó khăn.
- Một cách khác nữa có thể đảm bảo trách nhiệm cũng như tạo được tiền đề cho các bước gây dựng sau này, đó là: Bất kể cá nhân, tổ chức nào có mong muốn trở thành thành viên sáng lập thì đều phải chủ động kêu gọi tập hợp một nhóm trù bị nhất định, có thể từ 20-30 thành viên, đóng góp kinh phí và có trách nhiệm thông báo kế hoạch hoạt động đến nhóm trù bị mà mình đã kêu gọi. Cách thức này tăng tính dân chủ, tự nguyện cũng như giảm thiểu tối đa thời gian kêu gọi sau này khi thành lập Ban vận động, vì thế mà Hội được thành lập cũng khả thi hơn.
(Ảnh trình tự, thủ tục thành lập Hội)
Thành lập Hội riêng biệt hay trực thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam?
Tại bài viết kỳ trước, chúng tôi đã phân tích và nêu ra một số mô hình tổ chức trong lĩnh vực phụ trợ tại một số quốc gia trên Thế giới. Theo đó, có hai mô hình nổi bật hơn hết: Hội về phụ trợ bảo hiểm nằm trong một Hiệp hội Bảo hiểm, và chịu sự quản lý, hoạt động trực thuộc Hiệp hội đó. Trường hợp thứ hai là Hội về phụ trợ bảo hiểm độc lập, ngang hàng với Hiệp hội Bảo hiểm, là tổ chức xã hội- nghề nghiệp riêng biệt trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ Bảo hiểm. Tuy nhiên để lựa chọn một mô hình hoạt động Hội phù hợp, đáp ứng đúng mục đích, nhu cầu thực tiễn thành lập lại không hề đơn giản.
Trong trường hợp nếu Hội về phụ trợ bảo hiểm nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì mâu thuẫn giữa quyền lợi của các thành viên là vấn đề đáng lo ngại . Có thể thấy một số lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm được quy định trong luật như: đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm được xem là lĩnh vực phụ trợ giúp các DNBH có thể tính toán đánh giá rủi ro thiệt hại một cách chính xác nhất, tránh các vụ gian lận bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho DNBH khi giao kết hợp đồng. Thì một số lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm khác như tư vấn bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường lại là những dịch vụ đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nếu cùng nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm đôi khi sẽ mâu thuẫn đối với lợi ích các DNBH, trong khi đó đây lại là những thành viên chính thức, nòng cốt của Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam. Cũng không thể phủ nhận rằng một số lĩnh vực phụ trợ nếu nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm sẽ tạo sự liên kết lớn mạnh giúp giảm thiểu các vụ gian lận bảo hiểm, hay DNBH sẽ thông thái hơn khi đưa ra quyết định, hạn chế những rủi ro không đáng có. Nhưng cũng không thể chắc chắn một điều việc quản lý, thống nhất ý kiến sẽ công bằng đối với một số lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể khác.
Bài toán về quyền và lợi ích vốn luôn là bài toán khó trong bất kể lĩnh vực nào. Nếu như Hội về phụ trợ bảo hiểm độc lập riêng biệt và hoạt động trên cơ sở nghề nghiệp thì sẽ hạn chế việc mâu thuẫn giữa quyền và lợi ích của DNBH và người tham gia Bảo hiểm. Độc lập cũng đồng nghĩa với việc Hội về phụ trợ bảo hiểm có tiếng nói riêng, đặt ngang hàng đối với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Không chỉ là Hiệp hội của các tổ chức kinh tế như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội về phụ trợ bảo hiểm còn là sự tham gia của cả các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ. Chính vì vậy mà tiếng nói của các thành viên trong Hội về phụ trợ bảo hiểm sẽ không bị lu mờ trước những doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo tính công bằng và phát huy tối đa mục đích thành lập Hội.
Khi thành lập Hội Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ giúp thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, minh bạch vì bản chất “Phụ trợ bảo hiểm" là hỗ trợ Doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết những khó khăn trong quá trình kinh doanh bảo hiểm, Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi của các thành viên hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm mà hiện tại chưa có một tổ chức nào được thành lập để làm công việc này. Hội Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng là nơi đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật về bảo hiểm, là cầu nối giữa Nhà nước và các Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Không những thế thành lập Hội về phụ trợ bảo hiểm sẽ giúp người tham gia Bảo hiểm sử dụng những dịch vụ tối ưu nhất trong thời điểm khó khăn nhất.
Việc thành lập Hội phụ trợ bảo hiểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên không có con đường dẫn đến thành công mà không gặp phải chông gai. Để làm nên thành công đó, mọi đóng góp hỗ trợ, chung tay của tất cả các cá nhân, tổ chức họạt động trong lĩnh vực phụ trợ là vô cùng cần thiết , cũng như theo phương châm Hồ Chủ Tịch đã chỉ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" .
Hiện nay đã có một số thành viên cam kết tham gia Hội với tư cách thành viên sáng lập như:
- Ông Trương Minh Cát Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý Bảo hiểm TILA.
- Luật sư Phạm Hoàng Sang - Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý Bảo hiểm TILA.
- Ông Đỗ Hồng Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Dịch vụ Bảo hiểm Việt Nam.
- Ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair.
- Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc công ty TNHH Lê Hồng Hiển & Cộng sự.
Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm để có thể tổ chức thành lập “Hội" trong thời gian sớm nhất. Những ai có chung chí hướng với chúng tôi xin liên hệ để được đăng ký làm thành viên của nhóm sáng lập.