[Kỳ 1] - Mở cửu thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cần thiết phải có một tổ chức xã hội nghề nghiệp
Mới đây ngày 14/6/2019 Quốc hội chính thức ban hành Luật số 42/2019/QH14 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 01/11/2019. Theo đó việc Luật hóa hoạt động phụ trợ bảo hiểm là một trong những nội dung chủ chốt dành nhiều sự quan tâm đông đảo.
Căn cứ tại Điều 11.Quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm: “Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích phát triển thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của pháp luật”. Để đảm bảo sự tương đồng về quyền của chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng được Quốc hội đề cập đến...
Hiện nay chưa có một Tổ chức xã hôi- nghề nghiệp nào trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ phụ trợ Bảo hiểm đứng ra bảo vệ quyền lợi nhóm, tiến hành xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử , đạo đức nghề nghiệp - đây được coi là cơ sở quản lý cũng như đảm bảo trình độ chuyên môn, kỹ năng của các thành viên trong quá trình hành nghề. Chính vì vậy, việc thành lập và xây dựng một Tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động dịch vụ phụ trợ Bảo hiểm là vô cùng cần thiết. Không chỉ với vai trò là cầu nối kiến thức, hỗ trợ trao đổi thông tin, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mà đây sẽ là cổng thông tin đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn khung pháp lý, kiến nghị nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật kinh doanh Bảo hiểm có hiệu lực, việc thu thập ý kiến, phản ánh của các chủ thể tham gia lĩnh vực dịch vụ phụ trợ Bảo hiểm là vô cùng cần thiết hướng tới hoàn thiện, ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, tránh tình trạng luật đưa ra trái với thực tế xã hội, cản trở Doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh Bảo hiểm.
Việc thành lập ra Tổ chức xã hội- nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham gia hoạt động dịch vụ phụ trợ Bảo hiểm sẽ giải quyết được các vấn đề như sau:
- Xây dựng bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để phù hợp với quy định tại Điều 93a . Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: “Tuân theo quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp do tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành.”
- Kiến nghị, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng điều kiện tiêu chuẩn nghề nghiệp. Vì căn cứ tại điểm b khoản 1 điều 93b về điều kiện kinh doanh dịch vụ phụ trợ Bảo hiểm quy định Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có đủ điều kiện: “Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc ở nước ngoài cấp.”
- Việc chỉ quy định 02 đối tượng là chưa đầy đủ vì một số cá nhân đã có kỹ năng, kinh nghiệm lâu năm về tư vấn hay giám định tổn thất trong các môi trường đặc thù về lĩnh vực Bảo hiểm, lại không được công nhận trình độ chuyên môn mà vẫn phải tham gia đào tạo, thi lấy chứng chỉ. Một số “Lão làng" làm Tư vấn viên Bảo hiểm nhân thọ lâu năm cảm thấy khá thất vọng với quy định này vì với kinh nghiệm 20 năm trong nghề lại có thể không bằng một sinh viên mới ra trường.
Để giải quyết vấn đề này khi xây dựng nghị định hoặc thông tư hướng dẫn có thể áp dụng phù hợp với thực tiễn như sau:
- Với những người có kinh nghiệm trong nghề thì được cấp chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, kết cấu về Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có các mảng chính là: Tư vấn bảo hiểm; Đánh giá rủi ro bảo hiểm; Tính toán bảo hiểm; Giám định bồi thường bảo hiểm; Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Vì vậy những người có thâm niên công tác liên tục 10 năm (hoặc 15 năm) trở lên tại các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp giám định bồi thường bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thì không phải đào tạo mà có thể được nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm tại lĩnh vực mà mình đã công tác. Ví dụ như đại lý Bảo hiểm nhân thọ đủ điều kiện 10 năm công tác liên tục làm đại lý Bảo hiểm sẽ được cấp chứng chỉ “Tư vấn bảo hiểm nhân thọ" vì tác giả thiết nghĩ với 10 năm sống được với nghề chắc chắn đã có quá đủ kinh nghiệm để tiếp tục hành nghề tư vấn, không nhất thiết lại phải học thêm chương trình đào tạo mới được tiếp tục làm nghề mà mình vẫn đang làm 10 năm qua. Tuy nhiên tác giả đồng ý là chỉ được “Tư vấn bảo hiểm nhân thọ" chứ những đại lý này không được tư vấn sang lĩnh vực “Phi nhân thọ". Tương tự như vậy với việc làm Nhân viên Giám định bồi thường tại các Công ty bảo hiểm trên 5 năm thì khi các Nhân viên này ra làm Giám định bồi thường bảo hiểm chắc không cần đào tạo thêm.
- Xây dựng một kỳ thi để cấp chứng chỉ phụ trợ Bảo hiểm
Để cho có sự công bằng giữa các cá nhân thì thi cử là một phương án khả thi. Nhà nước không cần biết anh bao năm kinh nghiệm, anh tài giỏi hay được đào tạo tại đâu? Nếu anh muốn hoạt động Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam thì anh phải vượt qua được kỳ thi cấp chứng chỉ. Như vậy thì đối với các bạn được đào tạo bài bản trong trường đại học chuyên nghành bảo hiểm, các anh chị làm việc lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm đều phải trải qua một kỳ thi sát hạch đạt đủ điều kiện hay không?
Hoặc trước mắt thì những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề không phải tham dự chương trình đào tạo mà có thể đăng ký dự thi trực tiếp. Tất nhiên mỗi một lĩnh vực sẽ có kỳ thi riêng cho từng lĩnh vực để có thể ra hành nghề riêng cho lĩnh vực đó.
Theo khoản 3 điều 93b:
“Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về nội dung chương trình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm”
Như đã biết, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đồng thời tiến hành xây dựng chương trình đào tạo, thi cấp chứng chỉ có thực sự đáp ứng được nhu cầu thị trường, sát với thực thế hay không?
Đơn cử như việc hành nghề luật sư, ngoài việc được cấp chứng chỉ của Bộ Tư pháp thì cá nhân muốn hành nghề luật sư vẫn phải đáp ứng yêu cầu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để được cấp thẻ hành nghề luật sư.
Giải quyết các mẫu thuẫn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm:
Các đại lý bảo hiểm có thể bị ký kết các hợp đồng, bản cam kết, hoặc các thứ… mà biết là bất lợi với mình, thế nhưng các đại lý chỉ biết âm thầm than khóc, không biết ai sẽ đứng ra đồng hành với họ giải quyết.
Một số vụ việc từ chối bồi thường bảo hiểm khi xe ô tô thay lốp xe (mất hiệu lực đăng kiểm) đang được một số người làm hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm tiếp nhận, làm việc trực tiếp với Công ty bảo hiểm để giải quyết nhưng chỉ mang tính chất tranh chấp, không có tính chất hoà giải và lắng nghe. Nếu có một Hội Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm biết đâu sự việc sẽ khác. Vì bản chất “Phụ trợ bảo hiểm" sẽ không còn hay không cần thiết khi “Bảo hiểm" xấu xí hoặc phát triển kém.
Ở Việt Nam tổ chức xã hội- nghề nghiệp được biết đến là một tổ chức tự nguyện, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, hoạt động phi lợi nhuận, tập hợp hội viên là người cùng ngành nghề, chuyên môn, sở thích...có điều lệ/quy chế riêng thành lập hoạt động một cách thường xuyên để đạt mục đích nhất định. Với việc thực hiện chức năng đại diện cho quyền lợi của một nhóm công dân, tổ chức xã hội- nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đòi hỏi, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của Nhà nước thông qua giám sát và phản biện chính sách. Chính vì vậy, việc cần có một tổ chức xã hội- nghề nghiệp trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là vô cùng cần thiết . Tổ chức xã hội- nghề nghiệp này sẽ bao gồm các cá nhân,tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm cụ thể như:
Các công ty tư vấn bảo hiểm
Các công ty đánh giá rủi ro bảo hiểm
Các công ty tính toán bảo hiểm
Các công ty giám định tổn thất
Các công ty hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm
Các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Hiện nay: Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (VICS-CORP), Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA (TILA), Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm INFAIR (INFAIR) đã đồng ý trở thành thành viên vận động thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp cùng các Công ty Giám định độc lập, Công ty môi giới bảo hiểm, Đại lý bảo hiểm…. để tiếp tục triển khai, vận động.