Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói về các “lỗi” thường gặp của nhà bảo hiểm trong một vài vụ án mà nhà bảo hiểm là bị đơn.
Trong các vụ án này, phần trình bày ý kiến của các bên trước khi xét xử (là phần quan trọng nhất), điều ngạc nhiên nhưng hay diễn ra là nhà bảo hiểm thường có các ý kiến thiên về chuyên môn nhìn trên góc độ nghề nghiệp và dẫn chứng pháp lý một cách khập khiễng, phiến diện, khiến cho hồ sơ thiếu logic, thiếu cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, lỗi thường gặp của nhà bảo hiểm là nhầm lẫn giữa tài liệu tham khảo và chứng cứ mang tính chất quyết định của vụ án. Điều này xuất phát từ việc họ tuy rất am hiểu chuyên môn bảo hiểm nhưng thiếu am hiểu về tố tụng của các phiên tòa.
Nói một cách nôm na, bảo hiểm là nghề của nhà bảo hiểm, nhưng kiện tụng là nghề của… luật sư.
Tất nhiên, giới luật sư với đặc thù nghề nghiệp nên chuyên nghiệp hơn trong công tác tổ chức tố tụng, thường xuyên va chạm và làm việc với tòa hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm “chiến trường kiện tụng” hơn.
Có doanh nghiệp bảo hiểm vì hiểu điều này sẽ thuê luật sư, nhưng sự kết hợp đó vẫn chưa thể lấp đầy chỗ trống thiếu hụt về năng lực nói chung nếu sự phối hợp chuyên môn của nhau thiếu ăn ý. Vì luật sư chưa chắc am hiểu kỹ thuật bảo hiểm và ngược lại. Tìm được luật sư am hiểu cả 2 lĩnh vực nói trên trong ngành bảo hiểm hiện nay cực kỳ khó! Điều này cũng được chính các luật sư có tham gia thị trường bảo hiểm thừa nhận.
Chẳng hạn, một vụ kiện xảy ra tại Đà Nẵng, cấp tòa sơ thẩm đã xử nhà bảo hiểm thua kiện, phải chi trả toàn bộ tổn thất cho công trình xây dựng liên quan đến điều khoản mở rộng M120 và M121 của đơn bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng, chịu toàn bộ án phí.
Không đồng ý với phán quyết này, nhà bảo hiểm kháng cáo. Khi hồ sơ đến tay chúng tôi, lúc này chỉ còn 1 tuần nữa là phiên phúc thẩm diễn ra, thời gian để đọc và phân tích hồ sơ cả ngàn trang giấy là gần như bất khả thi. Chúng tôi phải làm việc thâu đêm và trao đổi liên tục, cuối cùng phát hiện ra được chi tiết quan trọng có sức thuyết phục có trong hồ sơ, nhưng lại thiếu chứng cứ để chứng minh cho lập luận của mình.
Muốn có chứng cứ này, phải bay ra Đà Nẵng thu thập trong điều kiện vụ án đã kéo dài 5 năm, chưa chắc đã làm được. Đó là:
- Nhật ký công trình từ ngày 18 đến ngày 24/12/2010: Công trình tạm ngưng hoạt động.
- Nhật ký công trình ngày 25/12/2010: Hoàn thành việc đào móng, vận chuyển.
- Lý do gì công trình tạm ngưng hoạt động hơn 1 tuần ở thời điểm “chạy nước rút” cuối năm? Chẳng lẽ cho công nhân nghỉ lễ Noel và ngày 25/12 làm việc?
Đọc lại toàn bộ hồ sơ, tại phiên sơ thẩm, các bên đã tranh luận trực tiếp, mổ xẻ rất sâu chuyên môn về điều khoản mở rộng M120 và M121, nhưng chưa để ý đến chi tiết này.
Sau khi hội ý với luật sư trong ê kíp làm việc, chúng tôi nhận định: Hai thông tin này trong nhật ký thi công có liên quan đến kết luận của cả hai nhà giám định do nhà bảo hiểm và Tòa sơ thẩm chỉ định. Nhưng chúng chỉ là đầu mối, thông tin tham khảo, chưa phải là bằng chứng chống lại nguyên đơn. Do đó, bằng hiểu biết tố tụng, chúng tôi đã sử dụng quyền của bị đơn: Yêu cầu hoãn xử; yêu cầu tòa án làm rõ và thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng…
Kết quả là Tòa án có thêm chứng cứ mới thu thập được, đó là Quyết định đình chỉ thi công trước ngày 18/12/2016 của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương khi có những khiếu nại của các hộ dân lân cận công trường về dấu hiệu nứt tường nhà đối với nhà chức trách.
Sau khi nghe hai bên tranh luận trực tiếp, làm rõ các thuật ngữ bảo hiểm có trong hợp đồng tại phiên xét xử, Tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm: Nhà bảo hiểm không chi trả bồi thường bảo hiểm. Lý do cụ thể là sự cố gây tổn thất cho người thứ ba liên quan đến điều khoản M120 và M121 không phải là sự kiện bảo hiểm dù sự cố này nằm trong thời hạn bảo hiểm.
Như vậy, nếu không có sự phối hợp chuyên môn giữa chuyên gia bảo hiểm và luật sư am hiểu tố tụng, vụ kiện này không thể thay đổi kết quả phiên sơ thẩm.
Nguồn: Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017 - Báo Đầu tư chứng khoán