“Chở hàng trái phép" theo quy định của pháp luật
1. Điều khoản loại trừ “chở hàng trái phép theo quy định của pháp luật” theo quy tắc của một số doanh nghiệp bảo hiểm
Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm quy định điểm loại trừ như sau:
“Xe ô tô chở hàng trái phép theo quy định của pháp luật”.
Đặc biệt, có PVI, Bảo Minh, Bảo Long còn loại trừ trong trường hợp “Không thực hiện đầy đủ các quy định an toàn về vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa theo quy định pháp luật”.
2. Danh mục hàng hóa bị cấm theo quy định pháp luật
Căn cứ Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 43/2009/NĐ-CP về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
3. Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 44, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn:
“Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
4. Quy định an toàn về vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa
Xe ô tô chở hàng phải tuân thủ các quy định an toàn về vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Cụ thể, Điều 15, Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ:
“Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải tuân theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Thông tư này và không vượt quá tải trọng thiết kế của xe được ghi trong giấy đăng ký xe;Hàng hoá xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng trên mặt đường và không gây cản trở cho việc điều khiển xe.”
KẾT LUẬN:
Trong điều khoản loại trừ này chỉ nêu “hàng trái phép theo quy định của pháp luật” mà không quy định rõ “hàng thuộc danh mục hàng hóa bị cấm theo quy định của pháp luật” hay “hàng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp”. Điều này sẽ dẫn đến khó hiểu và gây ra nhiều tranh cãi về “hàng trái phép” khi áp dụng trong thực tế. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp phải khó khăn trong việc xác định các trường hợp xe chở hàng có thuộc điểm loại trừ này hay không.
Vì vậy, kiến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần giải thích rõ “hàng trái phép theo quy định của pháp luật” là gì? Quy định điều khoản loại trừ một cách chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn như: “ Xe ô tô chở hàng thuộc danh mục hàng hóa bị cấm theo quy định của pháp luật” hay “Xe ô tô chở hàng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp” hoặc cả hai trường hợp trên.